Saturday, October 27, 2012

Nếu biết trăm năm là hữu hạn...


Dấu ba chấm cuối câu làm người ta rất...ba chấm. Vì cái tinh tế của tác giả đặt trong nó, và làm dậy lên băn khoăn của những người lướt qua. Dù không được cầm hít hà cuốn sách trên tay cũng khiến người ta phải chắp tay lên trán mà nghĩ ra vế "..thì"
Tôi bắt gặp cuốn sách này nhiều lần, chủ yếu trong chồng sách "bán chạy" hay "tuổi mới lớn" của một số nhà sách lớn. Tôi vốn nghĩ rằng đây là một ấn bản đại loại như "Trà sữa tâm hồn" của Hoa Học Trò cho các bạn tuổi teen. Một ngày đẹp trời, để ý cái tên Phạm Lữ Ân và nhớ ra đây là bút danh mình rất thích, từ thời "Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi". Sỡ dĩ tôi phải giải thích như vậy vì tôi vẫn còn nhớ mùi vị của bài viết đó, in lần đầu vào số báo Tết của 2!, nhớ rằng sau trang còn có truyện ngắn "Người mưa" của Nhiên Phan. Sau này mới biết rằng Phạm Lữ Ân là bút danh chung của cô chú Phạm Công Luận - Đặng Nguyễn Đông Vy. Có một thời tôi dùng "Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi" làm nguồn cảm hứng và tri kỷ của mình; từ cách viết, dàn trải cảm xúc đến những nét hững hờ mà nó để lại, đó là những năm tôi học cấp 3. Không phải xét về nội dung, mà do tôi đọc được cái gì thân thuộc trong đó, như mình viết ra một phần vậy. Khi cầm cuốn sách này trên tay, tôi lên tầng 2 của PNC đọc một mạch nó.
Cái điều tôi thích nhất ở quyển sách này, hay hầu hết các bài viết khác của tác giả, là đặt để người đọc tự nhìn nhận mỗi câu chữ theo cách khách quan nhất. Cho nên lắm khi, bạn hỏi tôi cảm thấy như thế nào sau khi đọc thì thật tình là tôi..chịu thôi :) Hông biết. Vì những gì mà tôi cảm thấy không phải là những gì quyển sách khiến tôi cảm thấy mà nằm đâu đó giữa cung cách mà tôi nhìn nhận bản thân mình thông qua nó. Nhiều người nhắm nháp sách như một thứ cocktail, nhiều người đặt nó ở góc giường xem như một phiên bản của Đắc Nhân Tâm. Nhưng ở "Nếu biết trăm năm là hữu hạn..", nó không dạy ta cách làm người, nó giúp ta tìm kiếm quan điểm và thái độ sống nhất quán nhất với từng cá nhân, không áp đặt một điều gì cả. Nó cũng không phải là quyển sách chia sẻ cảm xúc, bày tỏ kinh nghiệm hay khắc khoải buồn lo. Như cô Vy từng trả lời phòng vấn rằng "Cuộc sống quanh ta vốn đã phức tạp và nhiều bi kịch, nên tôi muốn ai đó khi đọc bài viết của tôi cảm thấy nhẹ nhàng, kể cả có buồn thì cũng nhẹ nhàng thôi."
Cái chính tôi muốn nói ở đây, nếu bạn là một người trẻ, đang loay hoay với những hỉ, nộ, ái, ố ở ngoài kia thì hãy xem đây như một món quà nhỏ cho mình. Vì mỗi khi bạn cầm nó lên, cảm thấy chính mình được trở về và, (có thể lắm) càm thấy an toàn.
Tôi sẽ trích dẫn một đoạn yêu thích từ bài viết Khi bạn đau lòng, đừng ngại rơi nước mắt:
Tôi ngắm nụ cười hồn nhiên và chợt băn khoăn, cậu bé của tôi đã sẵn sàng chưa, để nghe rằng cuộc sống phức tạp hơn thế? Cậu đã sẵn sàng chưa để tôi có thể nói rằng xấu và tốt không phải là hai chiếc sọt để chúng ta có thể phân loại con người. Nếu xấu và tốt là hai mặt của một bức tường, thì chúng ta, đa số đều đang bước chênh vênh trên bức tường đó. Sống là giơ tay ra để giữa thăng bằng. Vì vậy phải chú ý đến hành vi, bất kể ta là ai. Xấu và tốt là những gì xảy đến trong từng hành vi. Thậm chí, trong động cơ của từng hành vi đó. Bởi thế đừng quá tự tin vào mình. Đừng tin rằng mình mãi mãi là người tốt. 

0 comments:

Post a Comment

 
 
Copyright © frida.
Blogger Theme by BloggerThemes Design by Diovo.com